Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Phương pháp Bổ và Tả trong Đông y Khí công

A- Phương pháp Bổ và Tả trong Đông Y Khí Công:

Có hai trình độ hiểu biết về bổ tả trong đông y là trình độ hiểu biết về kỹ thuật đối với các kỹ thuật viên châm cứu day bấm huyệt và trình độ hiểu biết về sáng tạo cách chọn huyệt bổ tả của thầy thuốc theo quy luật bát cương bát pháp trong điều trị. A-Kỹ thuật bổ tả trên huyệt :

1- Phương pháp Bổ trên một huyệt :

Đối với phương pháp day bấm huyệt, có hai cách để bổ một huyệt :

a- Day trên huyệt theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ, day 6 lần là dùng lão âm sinh dương, lấy huyết bổ khí, day 9 lần là dùng lão dương sinh âm, lấy khí bổ huyết.

b- Theo luật Nghinh-Tùy : Nghinh là chặn đầu, đối đầu dùng để tả . Tùy là tùy tòng đi theo ủng hộ là để bổ. Khi vuốt huyệt thuận theo chiều đi của đường kinh là bổ.

c- Những huyệt nằm trong khe kẽ (không thể day hay vuốt), bấm đè trên huyệt mạnh vừa và lâu, lúc đầu không cảm nhận được khí huyết đi qua huyệt cho đến khi nghe dược khí huyết đập qua huyệt càng ngày càng mạnh rõ ràng thì ngưng.

2- Phương pháp Tả trên một huyệt :

a- Day trên huyệt theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ, day 6 lần dùng âm chữa dương, day 9 lần dùng dương chữa âm.

b- Theo luật Nghinh-Tùy: Vuốt trên huyệt nghịch chiều đi của đường kinh là tả .Thí dụ chiều đường kinh đi ra thì vuốt trên huyệt đẩy ngược không cho ra, bắt đi vào làm chậm sự tuần hoàn của đường kinh, ngược lại chiều đi của kinh đi vào thì vuốt ngược lại cho ra mà không cho vào.

c- Bấm đè đau rồi buông ra, lập lại nhiều lần bấm nhả, đối với các huyệt nằm trong khe kẽ mà không thể day hay vuốt được.

3-Phương pháp bình bổ bình tả :

a- Chỉ cần bấm đè trên huyệt, không day thuận day nghịch hay không vuốt thuận vuốt nghịch.

b- Bấm ngón tay trên huyệt day sang trái sang phải hay vuốt lên vuốt xuống 6 lần hay 9 lần.

c- Bấm nhẹ vừa đủ giữ lại, thỉnh thoảng nhấn nhả đau vài lần.

4- Cứu bổ cứu tả trên một huyệt :

a- Cứu bổ :
Dùng thuốc ngải cứu vê nhỏ bằng hạt đậu đặt trên 1 lát gừng mỏng để trên huyệt đốt lên để làm ấm nóng huyệt kích thích khí huyết tuần hoàn, khi ngải cứu cháy hết gọi là một mồi mất khoảng 45 giây đến 1 phút. Mỗi huyệt có thể cứu hết mồi này đến mồi khác, những bệnh nặng cần cấp cứu có thể cứu tối đa đến 100 mồi, nhưng ngày nay ít áp dụng, vì nó để lại vết phỏng trên da thành sẹo. Thông thường, tiệm thuốc bắc có bán sẵn cây ngải cứu không khói, không mùi vị, đốt cây ngải cứu đặt cách xa huyệt 3-5 cm để tạo nhiệt độ khoảng dưới 60 độ nóng trên huyệt, mỗi lần hơ lâu 45 giây gọi là một mồi. Tay cầm hơ ngải cứu có thể đứng yên, có thể xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, có thể di chuyển cho hơi nóng chạy thuận theo đường đi của kinh mạch.

b- Cứu tả :
Cầm ngải cứu để cách huyệt 3-5cm, đưa vào gần 3cm lại đưa ra xa 5cm liên tục như chim mổ thóc 60 hay 90 lần ( số lão âm lão dương để chữa huyết hay khí, dùng huyết chữa khí, dùng khí chữa huyết), hoặc xoay ngược chiều kim đồng hồ, hoặc di chuyển cho hơi nóng chạy qua huyệt đi nghịch chiều đường kinh.

c- Để tránh phỏng, người ta dùng Vaseline bôi trên huyệt trước khi hơ cứu. Nhưng ngày nay khoa học tiến bộ đã có những dụng cụ hơ cứu bằng điện an toàn hơn và có thể điều chỉnh được độ nóng thích hợp. Trường hợp những người có bệnh tiểu đường nặng cấm không được hơ cứu sẽ tạo ra vết phỏng bị lở loét lâu lành.

Trừ trường hợp đặc biệt đổ muối hột trên rốn, huyệt Thần khuyết, để thuốc ngải cứu lên trên, cứu bổ đến 100 mồi để chữa bệnh đau bụng dịch tả, chính cách chữa này Bác sĩ Soulié de Morant đã thấy trong một bệnh viện Trung Hoa trong thời gian nước này đang có nạn dịch tả được qua khỏi, nhờ vậy mà Bác sĩ Soulié de Morant mới quan tâm và theo học ngành châm cứu đông y.

Trên đây là các kỹ thuật bổ tả trên huyệt để các kỹ thuật viên châm cứu áp dụng mà không cần biết đến ngũ hành của huyệt hay của đường kinh.

Nếu chỉ biết phương pháp bổ tả trên huyệt thì không phải là thầy thuốc, chỉ là kỹ thuật viên châm cứu. Nhưng kỹ thuật viên châm cứu cũng có thể áp dụng những công thức cho sẵn trong sách vở đem ra chữa bệnh cho bệnh nhân để trở thành thầy thuốc sơ cấp, nhưng không biết cách chẩn bệnh, chọn huyệt, cho toa để sáng tạo ra một công thức mới phù hợp cho từng bệnh. Các trường dạy châm cứu đào tạo thầy thuốc hành nghề châm cứu ở Tây phương và Bắc Mỹ đều dạy kỹ về huyệt và dạy học thuộc lòng công thức chữa bệnh như một toa thuốc căn bản phải theo, không có lý luận sáng tạo ra những công thức mới để chữa những bệnh nan y, nên khả năng bị giới hạn ở trình độ của thầy châm cứu sơ cấp. Nếu đưa ra một công thức căn bản và đặt ra những câu hỏi cho các giáo sư : tại sao phải chọn huyệt này mà không chọn huyệt khác, tại sao phải chọn nhiều huyệt mà không chọn ít huyệt hơn, nếu đảo lộn thứ tự của huyệt và cách bổ tả của huyệt thì cũng với công thức đó sẽ chữa được những bệnh khác nhau như thế nào. Nếu học viên lý luận được như vậy sẽ biết được những công thức mà mình học không có cơ sở lý luận vững chắc, vì kiến thức hiểu biết của các vị thầy là bác sĩ tây y sang Trung Quốc học thêm châm cứu bị giới hạn chỉ biết kỹ thuật châm cứu huyệt và nghiên cứu công dụng của đơn huyệt như một nguyên tố hóa học. Họ nghiên cứu và thử nghiệm kiểm chứng bằng khoa học để tìm công dụng của đơn huyệt như nghiên cứu một nguyên tố hóa học, tìm ra lý tính hóa tính…thí dụ như huyệt Túc tam lý chẳng hạn :

Ý nghĩa : Túc=chân, tam=ba, lý=dặm, có nghĩa là hơ vào huyệt này làm chân mạnh, đi được 3 dặm đường mà không mệt mỏi.

Hiệu năng của huyệt Túc tam lý theo kinh nghiệm đông y, chia làm hai phần :

Phần thứ nhất quan trọng thuộc về chuyên môn để cho các thầy thuốc lý luận sáng tạo thuận theo bát cương bát pháp để chọn huyệt trị liệu thì ít ai để ý, nó nói về chức năng khí hóa ngũ hành của huyệt như: Điều lý tỳ vị, điều trung khí, hòa trường tiêu trệ, sơ phong hóa thấp, thông điều kinh lạc khí huyết, phò chính bồi nguyên bổ hư nhược, đuổi tà, tăng cường thể lực phòng chống bệnh.

Phần thứ hai là tác dụng trị bệnh cũng chia làm 3 phần :

-Công dụng tại chỗ : Chữa được bệnh đầu gối khó co duỗi.

-Công dụng theo đường kinh : Thuộc kinh vị, nên chữa được bệnh viêm loét bao tử, viêm ruột, viêm tụy tạng, bệnh thuộc tiêu hóa, bại liệt.

-Công dụng toàn thân :Chữa kích ngất, suy nhược, thiếu máu, áp huyết, dị ứng, vàng da, động kinh, suyễn, bệnh sinh dục, bài tiết, thần kinh suy nhược.

Ngày nay khoa học nghiên cứu công dụng của huyệt bằng thử nghiệm có những kết qủa như sau :

Theo kinh nghiệm của Bác sĩ Soulié de Morant, ông tổ của tây phương đã học châm cứu trong thời gian làm đại sứ Pháp tại Trung Hoa khi về nước đã hành nghề và mở trường dạy châm cứu phổ biến môn học này, kinh nghiệm của ông cho biết huyệt Túc tam lý điện thế rất mạnh nên hơ bổ huyệt Túc tam lý để chữa thể chất mệt mỏi, tinh thần suy nhược, bổ vào buổi sáng kết qủa tốt hơn vào buổi chiều, tối.

Các kết qủa thử nghiệm y khoa khác cũng công nhận : Châm huyệt Túc tam lý của thỏ, thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng nhiều nhất, tăng khả năng thực bào của bạch cầu làm cho chỉ số nuốt vi trùng của thực bào tăng 1-2 lần, đối với tụ cầu vàng tăng 1-2 lần, nếu cứu chỉ tăng 0,5 lần. Sau 24 giờ tăng cao nhất. Nếu dùng điện châm trên huyệt thấy chỉ số thực bào tăng cao nhất sau 5-6 giờ, duy trì lâu 48 giờ. Nếu chỉ châm mà không cứu kết qủa thấp hơn và không duy trì lâu, nếu chỉ cứu kết qủa kém hơn.

Một số bác sĩ tây y áp dụng huyệt bằng phương pháp thủy châm, chích những loại thuốc trị bệnh của tây y vào huyệt, đã nhận thấy chích vaccin thương hàn vào huyệt Túc tam lý 2 lần, mỗi lần 0,1cc bằng 1/7 liều chích dưới da để phòng bệnh thương hàn, nếu dùng để chữa bệnh thương hàn, mỗi tuần châm 3 lần và thử máu 3 lần để kiểm chứng thấy hiệu qủa tan khuẩn nhanh hơn chích bình thường dưới da và thời gian duy trì lâu dài hơn.

Về thủy châm, chữa ho cảm, chích 1cc Eucaliptine vào huyệt Phế du làm mạnh chức năng phổi, thông phế khí, đuổi tà khí phong hàn, kết qủa khỏi bệnh nhanh hơn. Chích 1cc B12 vào Túc tam lý làm tăng hồng cầu, chích 1cc vit.C vào Túc tam lý làm tăng thể lực chống mệt mỏi …

Khi dùng quang tuyến X để quan sát, khi châm vào đúng huyệt Túc tam lý thấy có sự co bóp của bao tử và ruột và tăng tiết dịch vị rõ ràng, nếu châm sai chỗ không thấy có sự thay đổi. Dùng Novocain 0,25% châm vào huyệt Túc tam lý của chó thấy bao tử co bóp nhanh. Châm huyệt Túc tam lý làm tăng bạch cầu, nhưng cắt bỏ tuyến yên thì không có kết qủa. Châm Túc tam lý, Can du, Đởm du của thỏ thấy hoạt động của tuyến thượng thận tăng cường, vỏ tuyến thượng thận dầy ra, tăng trọng lượng tuyến thượng thận. Châm huyệt này làm tăng adrenaline, nếu cắt dây thần kinh đến huyệt thì không thấy tăng. Nếu bí tiểu do liệt tủy sống, châm Túc tam lý làm tăng áp lực bàng quang, điện tâm đồ thay đổi…

Khi thu thập những kết qủa thử nghiệm của khoa học ngày nay, chúng ta nhận thấy dần dần đã chứng minh được phần lý luận của phần thứ nhất trong biện chứng luận trị sự khí hóa ngũ hành tạng phủ của cơ thể do những kinh nghiệm của các vị thái y hơn một ngàn năm trước đã tích lũy được qua những cuộc thí nghiệm mổ xẻ trên thân sống của các tử tội được nhà vua cho phép để thử nghiệm y khoa của các bậc tiền bối. Vì thế để tránh lạm dụng mổ xẻ trên thân sống của tử tội, các vị thái y đời sau đi đến kết luận bằng câu nói : “ Cái gì chưa biết mới phải thử, cái gì đã biết không cần phải thử nữa.”

Như vậy tất cả các phương pháp bổ tả trên chỉ là công dụng của đơn huyệt giống như trong một chiến thuật hành binh bố trận nhận lệnh sai đâu đánh đó. Còn phương án chữa bệnh cao thâm khó lường là chiến lược, những thành bại đã nằm trong dự định tiên đoán của những nhà chiến lược gia, những bậc thầy sáng tạo, lúc đó huyệt chỉ là một đơn vị thành phần trong chiến lược quân thần tá sứ của một bài thuốc, không có công dụng riêng tư của đơn huyệt, đó là lý do vì sao mà ngành châm cứu ở phương tây không thể phát triển trội hơn tây y được.Chỉ khi nào các trường châm cứu đào tạo ra Thầy thuốc biết khám bệnh, chọn huyệt, cho toa (tương đương với một thầy thuốc vừa là bác sĩ vừa là dược sư) để cho các kỹ thuật viên theo đó mà thực hiện theo trình tự của một bài thuốc bằng công thức huyệt.

Kỹ thuật viên châm cứu tuy biết rành về vị trí các huyệt đạo, biết kỹ thuật bổ tả bằng châm kim, day bấm, hơ cứu, nhưng đa số đã không tuân theo trình tự công thức, vì thế đã làm sai nên không đem lại kết qủa, có khi lại bị phản tác dụng gây ra một biến chứng khác

Thí dụ một công thức đã chọn của thầy khám bệnh chữa một bệnh nhân bị ho, phổi có mủ là toa thuốc chiến lược Phế ung khái thấu phương đưa cho một kỹ thuật viên thực hiện trên bệnh nhân được ghi theo thứ tự là : (123456), áp dụng thực hành theo đúng kỹ thuật đã dặn là chiến thuật như huyệt nào bổ, huyệt nào tả, rút kim nhanh hay lưu kim lâu…như lời dặn dưới đây :

Tả 1-Phế du, 2-Chiên trung, 3-Chi cấu, 4-Đại lăng (sau khi đắc khí rút kim ra ngay)
5-Phong môn châm ngang (sau khi đắc khí rút kim ra ngay)
6-Túc tam lý (bình bổ bình tả, lưu kim 30 phút)

Chúng ta xem các huyệt như là một nguyên tố hóa học, phối hợp các nguyên tố sẽ cho ra một phản ứng hóa học thành một chất khác, do đó khi thầy thuốc đã tính toán kỹ lưỡng mới cho ra công thức đầy đủ quân thần tá sứ 123456 để tạo ra chất thuốc chữa bệnh phế ung có kết qủa như ý muốn.

Nhưng đa số các kỹ thuật viên không đi theo trình tự, họ nghĩ rằng miễn sao sử dụng đủ các huyệt bổ tả của thầy thuốc ra toa là được, khi bệnh nhân nằm ngửa họ tiện tay sử dụng các huyệt phía trước cho hết, rồi bảo bệnh nhân nằm úp, sử dụng hết các huyệt phía sau lưng, trở thành một công thức khác để chữa bệnh khác, như các huyệt phía trước là 2,3,4,6, rồi đến các huyệt phía sau 1,5 nên phản ứng hóa học sẽ tạo ra chất khác 234615.

Nhất là khi có các công thức huyệt vừa châm vừa cứu phía trước phía sau lưng xen kẽ, nhiều người đã tiện tay chữa xong một phía này rồi đến phía kia hoặc xong châm mới đến cứu làm cho công thức không còn hữu hiệu.

B- Phương pháp sáng tạo chọn huyệt cho toa của thầy thuốc:

Bổ và Tả là phương pháp chính để chữa bệnh trong Đông y Khí công, phải có nhiều năm kinh nghiệm lý luận biện chứng trong điều trị mới đi đến quyết định chọn huyệt Bổ hay Tả . Lúc đó trăm bệnh chỉ nhờ vào 1 huyệt tầm thường mà khỏi bệnh, người xưa gọi là Nhất Điểm Thông Kinh Mạch.

Cẩm nang chính hướng dẫn lý luận trong điều trị của đông y là quyển Hoàng Đế Nội Kinh và được bổ sung những chỗ chưa rõ nghĩa bằng quyển Nan Kinh của Y Tổ Biển Thước Tần Việt Nhân, và hiểu được câu nói bất hủ Nhất điểm thông kinh mạch của ông là đã có thể lập ra những phương án chiến lược trong điều trị mang lại nhiều kết qủa hơn các phương pháp khác.

Chúng ta muốn biết Nhất điểm thông kinh mạch là gì, chúng ta hãy nghe lời giảng của Y tổ qua một câu chuyện huyền thoại khó tin nhưng có thật trong cuộc đời tôi :

Khi tôi mới học huyệt chỉ biết nghiên cứu ghi chép những công thức huyệt có kinh nghiệm sẵn của các danh y để đem ra áp dụng chữa bệnh như đa số các Thầy bấm huyệt mấy chục năm trước kia thường làm, kết qủa được 20% đối với các bệnh nan y là cũng đã mừng lắm rồi. Tôi tổ chức những phòng chữa bệnh miễn phí ở Chùa Phước Hòa Bàn Cờ, Chùa Long Viên ở đường Phan xích Long Phú Nhuận và ở Phòng chữa bệnh miễn phí số 139 đường Công Lý Phú Nhuận để thu thập kiểm chứng những công thức đó qua nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng.

Bệnh nhân càng ngày càng đông, tôi phải mời thêm các Thầy thuốc bạn bè khác đến phụ giúp với tinh thần thiện nguyện, và cũng được nhiều người theo học để trở thành thầy chữa bệnh trong tương lai.

Những học viên của tôi đa số là những bệnh nhân trước kia đã được chữa khỏi, trong đó có một học viên đặc biệt tên Đỗ L. cũng hành nghề chữa bệnh miễn phí bằng bùa lỗ ban, mà Thầy tổ Bùa Lỗ ban là Thái thượng Lão quân, anh ta là học trò cưng của Tổ, được ban pháp danh là Minh Quang, Tổ ban cho anh ta một đặc ân có thể liên lạc bằng tâm linh với Tổ được khi cần thiết.

Một hôm, có một bệnh nhân từ tỉnh Bình Dương bị trúng phong méo miệng được người nhà chở đến Chùa Long Viên, tôi giao bệnh nhân này cho anh ta là học viên giỏi nhất so với các học viên khác. Thật không thể tưởng tượng, anh ta bấm chỉ có một huyệt Giải Khê bên trái và bảo bệnh nhân cứ tiếp tục tập động tác cười, lúc đầu cười miệng méo lệch về một bên, sau từ từ bớt méo, đến khi miệng trở lại vị trí đúng như người bình thường không có bệnh thì anh ta ngưng không bấm huyệt nữa, sau đó bệnh nhân nói chuyện miệng hết méo. Chính lúc đó tôi nghĩ anh này qủa thật đã giỏi hơn tôi, vì khả năng của tôi không thể chỉ chữa 1 lần mà hết bệnh. Tôi hỏi anh tại sao huyệt Giải khê lại hay đến như vậy ? Anh ta trả lời là huyệt này đối với 12 đường kinh mạch thì thuộc kinh vị, nhưng nó cũng là 1 huyệt nằm trên kinh Cân. Nhưng cũng kể từ đó anh ta mất sức, mặt xanh, suy nhược, mất thần, mất máu, xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh, một tuần sau, anh ta vẫn không lại sức, mới nói rằng : Thôi, em không dám bấm huyệt chữa bệnh kiểu này nữa, để em ở nhà nghiên cứu những công thức huyệt của Thầy cho giỏi đã, chứ bấm huyệt kiểu này mất sức qúa.

Phần tôi, mỗi tối nằm tập thở Tiểu chu thiên theo thói quen rồi nhập vào cõi thiền định như thường lệ, thường hay thấy cảnh một phòng chữa bệnh có bệnh nhân ra vàp tấp nập, và nghe được tiếng nói của một vị Thầy không thấy mặt đang giảng về Nhất điểm Thông kinh mạch .

Thầy giảng : Bất kỳ một bệnh nào cũng có liên quan đến 3 đường kinh là chính kinh bị bệnh, hay do kinh mẹ bị bệnh, hoặc do kinh con bị bệnh, và mỗi đường kinh đều chỉ có một huyệt bổ hay một huyệt tả trên ngũ du huyệt để điều chỉnh lại sự khí hóa ngũ hành để chữa cho khỏi bệnh .Như vậy, phải tìm bệnh chính xác là do kinh nào trong ba đường kinh, chỉ được chọn một, rồi trong một kinh đã chọn chỉ có 5 huyệt trên ngũ du huyệt, chỉ được chọn một huyệt đúng nhất là huyệt bổ hay huyệt tả .Khi bấm vào chỉ một huyệt đã chọn đó mà khỏi bệnh gọi là Nhất điểm thông kinh mạch .

Khi tôi được học đến đây, mới hiểu ra, các thầy chữa bệnh chỉ áp dụng những công thức có sẵn để chữa bệnh là sai với nguyên tắc kinh điển lý luận âm dương ngũ hành, chữa bệnh theo máy móc, không tìm hiểu nguyên nhân do chính kinh, do mẹ, hay do con, muốn phân biệt được do kinh nào lại cần phải học triệu chứng dấu hiệu lâm sàng của mổi đường kinh có những điểm nào khác biệt…

Một sự trùng hợp tình cờ, Thầy Đỗ L. trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh, sao chép những công thức chữa bệnh cũng có một giấc mơ kể cho tôi nghe :

Anh ta đang khom lưng trên chiếu sao chép công thức huyêt, tự nhiên thấy có một người Tầu đứng trước mặt anh, anh chỉ nhìn được 2 bàn chân mang giầy tầu, áo thụng đen, ông vừa cười nói : Cố gắng học được Nhất điểm thông kinh mạch ha !
Anh ngẩng đầu nhìn lên, thấy cách ăn mặc đội nón không phải mũ quan mà mũ của thầy thuốc Tầu hồi xa xưa như các đại phu trong phim Tầu vậy, anh nhớ cả khuôn mặt của thầy này. Thầy nói xong rồi biến mất, anh tỉnh dậy, và hôm nay đi gặp tôi để hỏi tôi giảng nghĩa cho anh hiểu thế nào là nhất điểm thông kinh mạch.

Tôi nghĩ anh ta và tôi cũng có duyên mới gặp được các vị Thầy chỉ đìểm, tôi bảo, kể từ nay anh đã có Thầy rồi không cần phải học tôi nữa. Nếu anh có gặp lại, anh hỏi Thầy xem bấm huyệt nào để giúp anh mau phục hồi sức khỏe. Chắc có lẽ Thầy anh là Tổ Biển Thước.

Đêm hôm sau anh ta gặp lại các vị Thầy tâm linh .Sau đó anh gặp tôi, xòe bàn tay cho tôi xem, có những dấu mực phẩm đỏ trên các đầu ngón tay và nói :

Đêm hôm rồi Em được Tổ Biển Thước dạy cho Linh Quy Bát Pháp tính bằng đầu ngón tay, còn người mà nói Cố gắng học được Nhất điểm thông kinh mạch hôm đó không phải là Tổ Biển Thước mà là Thầy Thuốc Vương Thúc Hòa làm người mẫu để cho Tổ Biển Thước chỉ dạy cách đo tìm huyệt theo Linh Quy Bát Pháp. Và Tổ nói muốn phục hồi sức khỏe thì bấm huyệt Thượng hạ uyển . Vậy nhờ Thầy bấm giùm em huyệt này đi.

Qủa thật tên huyệt này, trong nhóm 20 thầy thuốc của chúng tôi chưa nghe qua, tra tìm các sách huyệt đều không thấy thì làm sao mà bấm được. Tôi đề nghị anh ta nhờ Tổ chỉ huyệt đó ngay trên người anh ta để cho tất cả chúng tôi cùng học hỏi .
Ngày hôm sau anh ta xuất hiện, mặt mày tươi tỉnh, khỏe mạnh hồng hào hơn xưa. Anh ta hỏi xem có thấy anh ta khác lạ không ? Chúng tôi trả lời là thấy hồng hào khỏe mạnh hơn, tại sao vậy ? Anh nói, đêm hôm qua Tổ bấm huyệt Thượng hạ uyển ở đây này, em mới thấy khỏe, vừa nói vừa chỉ vào giữa bụng, thì ra là 3 huyệt Thượng quản, Trung quản, Hạ quản. Vì thế khí công day bấm huyệt cũng thường dùng 3 huyệt này để điều chỉnh khí tam tiêu (thượng, trung, hạ).

Có lần tôi đang điều trị một bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu cơ tim, nhưng chưa có công thức nào tối ưu mang lại kết qủa khả quan, xin thỉnh ý của Tổ. Thầy dạy có một câu mà không giải thích : Dùng huyệt Dương Giao chữa bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu mở sách huyệt nói đến công dụng của huyệt này thì thiếu phần một lý luận, chỉ có phần hai tác dụng trị bệnh như sau : 1-Tại chỗ : trị cước khí, nhức ống chân. 2-Theo kinh : Trị liệt chân, đầu gối, thần kinh tọa. 3-Toàn thân : Trị tức ngực, đau sườn, đắng miệng.

Tôi thắc mắc hỏi lại tại sao chỉ có một huyệt tầm thường như vậy mà có thể chữa được một chứng bệnh nan y. Thầy đã nói : Con còn thắc mắc như vậy là chưa hay, cần phải suy luận.

Đến khi tôi tìm sự liên hệ của đường kinh thì huyệt này là giao hội huyệt của 3 đường Dương Duy Mạch trong Kỳ kinh bát mạch giao với kinh tâm, kinh thận, nó thuộc kinh Đởm có liên hệ với kinh Tam tiêu, kinh Tam tiêu là hỏa dương liên quan đến kinh hỏa âm Tâm Bào là cơ sở ngoài của qủa tim, và hệ thống ống mạch của tâm bào hoạt động không chính thường sẽ tạo ra nhồi máu cơ tim nên cần phải điều chỉnh lưu lượng tuần hoàn khí huyết của kinh tam tiêu đã bị suy yếu do mất quân bình hỏa thủy của tâm thận. Dương Duy Mạch có chức năng duy trì dương khí để tâm thận hoạt động điều hòa, cho nên không có huyệt nào chữa bệnh nhồi máu cơ tim hay bằng huyệt Dương Giao. Vì thế không thể nào các thầy châm cứu tây y am hiểu được phần khí hoá kinh mạch kỳ diệu như thế này, cho nên nếu các thầy châm cứu day bấm huyệt khi chữa bệnh nhồi máu cơ tim thì nói phải bổ tâm dương chính là bổ huyệt này, còn kỹ thuật bổ là thuộc thao tác của kỹ thuật viên day trên huyệt.

Để bổ sung diễn giảng thêm cho rõ nghĩa, những thầy thuốc đời sau đã viết ra nhiều sách, và trong Sách Châm Cứu Đại Toàn có nói :

Chọn 5 huyệt để dùng một huyệt ắt phải. Chọn 3 đường kinh để dùng một đường kinh thì mới có thể chính xác được…cũng là ý Nhất điểm thông kinh mạch.

Hiểu và thực hành đúng được câu nói này phải mất hơn 10 năm nghiên cứu và thực hành nguyên lý khám bệnh theo bát cương : âm dương, khí huyết, Hư thực, Hàn nhiệt, Biểu lý và nguyên lý chữa bệnh theo bát pháp

1- Ý nghĩa của chữ Bổ Tả :

Chữ Bổ là Bổ những bệnh thuộc hư chứng. Chữ Tả là làm yếu đi, mất đi những bệnh thuộc thực chứng do nội ngoại tà khí gây ra .

Như vậy muốn tìm hư để bổ, tìm thực để tả, thì phải biết Khí bệnh hay Huyết bệnh .Nếu Khí bị bệnh do hư thiếu thì bổ khí, do dư thừa thì phải tả tà khí. Nếu Huyết bị bệnh do hư thiếu thì bổ huyết, do huyết có tà khí (nhiễm trùng làm ra bệnh hàn nhiệt nóng lạnh, sốt, xáo trộn hồng cầu bạch cầu..,) thì phải tả tà khí xâm phạm vào huyết.

2- Bổ tả áp dụng theo Ngũ hành của mỗi đường kinh :

Trên mỗi đường kinh có tên một hành như kim, thủy, mộc, hỏa, thổ, là một định đề dùng để lý luận trong đông y, mỗi hành đều có 2 đường kinh âm dương. Những kinh âm chứa nhiều huyết, có cơ quan đặc trong cơ thể gọi là tạng như tim (quân hỏa âm), Tâm bào=màng bao tim (tướng hỏa âm), lá mía (thổ âm), phế (kim âm), thận (thủy âm), can=gan (mộc âm). Những kinh dương chứa nhiều khí, có cơ quan rỗng trong cơ thể gọi là phủ như Tiểu trường=ruột non (hỏa dương), Tam tiêu=hệ thống ống mạch (hỏa dương), Vị=bao tử (thổ dương), Đại trường= ruột gìa (kim dương), Bàng quang (thủy dương), Đởm=mật (mộc dương). Với định nghĩa này, đông y sắp xếp ngũ hành tạng phủ theo hình vẽ như sau :

Kinh Tâm, Tâm Bào mang hành hỏa âm
Kinh Tiểu trường và Kinh Tam tiêu mang hành hỏa dương
Kinh Tỳ mang hành thổ âm
Kinh Vị mang hành thổ dương
Kinh Phế mang hành kim âm
King Đại trường mang hành kim dương
Kinh Thận mang hành thủy âm
Kinh Bàng quang mang hành thủy dương
Kinh Can mang hành mộc âm
Kinh Đởm mang hành mộc dương

Tất cả các tạng kinh âm như T (Tâm), TB (Tâm bào), Tỳ, P (Phế), Th (Thận), C (Can) nằm bên trong vòng tròn lớn.
Tất cả các phủ kinh dương như Ttr (Tiểu trường), Tat (Tam tiêu), V (Vị), ĐT (Đại trường), BQ (Bàng quang) nằm bên ngoài vòng tròn lớn.

Vòng tròn tương sinh :
Đi theo chiều thuận như hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa…có nghĩa năng lượng của hỏa để nuôi dưỡng tim và tiểu trường và nuôi dưỡng tỳ vị thổ, năng lượng của tỳ vị thổ nuôi dưỡng tỳ vị và nuôi dưỡng phế đại trường kim…Như vậy thì mẹ của kim là thổ, mẹ của thổ là hoả, mẹ của hỏa là mộc, mẹ của mộc là thủy, mẹ của thủy là kim…Những điều đơn giản như vậy nhiều khi thầy thuốc bắc cũng không biết, có một lần một bệnh nhân khai bệnh, tiếng nói to, nhưng nói lâu bị mệt hỏi xem phải khuyên uống thuốc gì. Theo đông y, tiếng nói to là phổi tốt nhưng nói lâu bị mệt là phế khí không đưa xuống nuôi thận theo nguyên tắc mẹ con, và chức năng thận cũng không làm nhiệm vụ liễm phế khí, nó thuộc chức năng chứ không bị tổn thương vật chất thuộc cơ sở nên tây y không có cách chữa được. Tôi đề nghị tăng cường chức năng bổ thận liễm khí bằng cách tăng cường phế khí, dùng Bá hợp cố kim hoàn, kim là Phế mẹ của thận thủy âm đủ sẽ nuôi dưỡng được thận khí. Bệnh nhân đi mua thuốc về đem lại nói với tôi : Thầy thuốc bắc nói đây là thuốc bổ phổi chứ không phải thuốc bổ thận. Vì vậy chữ bổ ở đây nếu người không hiểu biết về bổ tả theo chiến lược thì nói đau đông chữa tây mà cũng khỏi, người khác thì cho là thầy thuốc dởm chữa cầu may mà khỏi, theo luật pháp tây y không hiểu bổ tả trong đông y, kết tội thầy thuốc chữa sai, tịch thu bằng hành nghề ngay. Đó là lý do đông tây không hiểu nhau nên khó kết hợp, chỉ khi nào một thầy thuốc phải học cả 2 môn đông và tây cùng một lúc mới trở thành một thầy thuốc giỏi, chữa bệnh mới không mâu thuẫn trong điều trị.

Vòng tròn tương khắc :
Đi theo hình ngôi sao như thủy khắc triệt hỏa, hỏa khắc triệt kim, kim khắc triệt mộc, mộc khắc triệt thổ, thổ khắc triệt thủy…có nghiã nếu năng lượng của thủy dư thừa thay vì năng lượng ấy nuôi mộc, mộc cũng sẽ dư thừa truyền cho hỏa thêm hỏa sẽ bị bệnh tăng thân nhiệt, sốt, cao áp huyết, vì thế cơ quan tự động điều chỉnh, nó biết mộc không cần năng lượng nó sẽ truyền cho hỏa để trở thành thủy khắc triệt hỏa khiến hỏa bớt mạnh, hạ thân nhiệt và áp huyết. Tự động khi hỏa bị triệt mất năng lượng, can mộc sẽ truyền năng lượng nuôi đưỡng bổ sung cho con, lúc đó nó thiếu thì thu nhận lại năng lượng của mẹ là thận thủy, thế là sự khí hóa quân bình tạng phủ được tái lập sự tuần hoàn trở lại bình thường gây ra những phản ứng hóa học như xuất mồ hôi hạ thân nhiệt…. Sự khí hóa của ngũ hành tạng phủ trong cơ thể lúc sinh lúc khắc tự động để lúc nào cũng giữ quân bình âm dương khí huyết của cơ thể, đông y goị là sự chế hóa ngũ hành tự động. Trừ khi cơ thể mất đi khả năng chế hóa ngũ hành tự động do ngoại tà từ khí hậu môi trường thời tiết xâm nhập vào gọi là lục dâm (6 thứ xâm nhập vào cơ thể như phong, hàn, thử, thấp, táo, nhiệt), hoặc do nội tà từ thức ăn hay từ tâm lý xúc động, biến đổi tâm tính đột ngột…vượt qúa khả năng kềm chế điều chỉnh quân bình của cơ thể, lúc đó chúng ta sẽ bị bệnh. Đông y khí công phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh đó đã làm mất quân bình cơ chế sinh hóa chuyển hóa tự động ở kinh nào hư kinh nào thực, và tà khí đó mới làm xáo trộn chức năng hay đã làm hư hỏng cơ sở vật chất của tạng phủ, và còn thuộc tình trạng nhẹ tại bên ngoài cơ thể ở biểu làm đau nhức hay thuộc tình trạng nặng đã vào sâu trong lý như nhiễm trùng. Thầy thuốc đông y khí công cũng phải tìm xem tà khí gây bệnh chỉ hại đến chức năng hay đã hại đến thực thể vất chất. Cũng vì thế mà mỗi đường kinh của một tạng hay phủ đều có hai đường kinh song song có những huyệt giống nhau nhưng cùng một huyệt mà bên đường kinh bên phải bấm đau nhưng đường kinh bên trái bấm không đau. Những người theo học tây y không thể hiểu nổi những thắc mắc, như cơ quan gan, tim, bao tử… chỉ có một cái, tại sao có hai kinh can, có hai kinh tâm, hai kinh vị…và tại sao bấm huyệt bên đau bên không đau. Do đó hệ thống kinh mạch được quy định như trái tim bên trái thì đường kinh tâm bên trái tay trái chỉ cơ sở vật chất thuộc qủa tim, đường kinh tâm bên bàn tay phải chỉ chức năng hoạt động của qủa tim, bao tử nằm bên trái thì đường kinh Vị của cơ sở vật chất của bao tử nằm bên chân trái, đường kinh vị bên chân phải chỉ chức năng.

3- Bổ tả trên Ngũ du huyệt của mỗi đường kinh :

Mỗi đường kinh dù cho nhiều hay ít huyệt trên đường kinh, nhưng mỗi đầu hay cuối đường kinh đều có một đoạn kinh từ đầu ngón tay đến khuỷu tay, hay từ đầu ngón chân đến đầu gối hay nhượng chân đều có 5 huyệt ngũ hành để điều chỉnh bổ tả dựa theo hành của mỗi đường kinh, theo quy luật sau :

Tất cả các kinh âm, huyệt khởi đầu là huyệt tỉnh (=cái giếng) ở đầu tay, hay đầu chân mang hành Mộc. Các huyệt tiếp theo là Hỏa (h), Thổ (t), Kim (k), và Thủy(th) là huyệt nằm ở khuỷu tay, nhượng chân.

Tất cả các kinh dương, huyệt khởi đầu là huyệt tỉnh ở đầu tay hay đầu chân mang hành Kim. Các huyệt tiếp theo là Thủy( th), Mộc (m), Hỏa (h), và Thổ (t) là huyệt nằm ở khuỷu tay, nhượng chân.

Những huyệt ngũ du này, huyệt nào có hành sinh ra hành của đường kinh là huyệt dùng để Bổ cho đường kinh mạnh lên, huyệt nào có hành được sinh ra từ hành con của đường kinh là huyệt dung để Tả làm cho đường kinh ấy yếu đi. Thí dụ như huyệt bổ và Tả của 2 kinh Phế và Đại trường.

Huyệt bổ của kinh Phế là huyệt Thái uyên thuộc thổ sinh kim là hành của kinh phế làm cho kinh phế mạnh hơn lên. Huyệt tả của kinh phế là Xích trạch thuộc thủy là con của kim phế làm cho kinh phế yếu đi.

Huyệt bổ của kinh Đại trường là Khúc trì thuộc thổ là mẹ của kinh kim đại trường làm cho đại trường khỏe lên.

Huyệt tả của kinh Đại trường là Nhị gian thuộc thủy là con của đại trường kim làm cho đại trường yêú đi.
(Xem đầy đủ các huyệt bổ tả của các kinh khác trong bài Chức năng khí hóa của 14 đường kinh)

4- Kiểm chứng dấu hiệu lâm sàng tìm và định bệnh thuộc Kinh nào :

Câu : Chọn 3 đường kinh để dùng một đường kinh thì mới có thể chính xác được…
Khi bắt mạch theo mạch học đông y, hay theo Quy kinh chẩn pháp của Khí Công y đạo, hay đơn giản hơn là theo Dấu hiệu triệu chứng lâm sàng học để tìm ra đường kinh bệnh hay cơ quan tạng phủ bệnh, thông thường theo quy luật vòng ngũ hành tương sinh (kim, thủy, mộc, hỏa, thổ) thì có thể xảy ra 3 đường kinh liền nhau có liên quan đến bệnh trong các bệnh hư chứng. Còn các bệnh do thực chứng thì một hành bệnh thực có thể truyền bệnh cho các hành khác gọi là biến chứng truyền kinh, trong trường hợp này thầy thuốc cũng vẫn phải tìm ra được 3 kinh để vừa chữa ngọn, vừa ngừa biến chứng vừa chữa được gốc bệnh.

a- Do Chính kinh :

Nếu khi khám bệnh, chỉ thấy có những dấu hiệu triệu chứng riêng của một đường kinh.chứ không bị ảnh hưởng của đường kinh khác thì gọi là chính kinh bệnh, Tự nó cũng có dấu hiệu của bệnh hư chứng hay thực chứng của riêng nó, và nó cũng cho biết chức năng hay cơ sở bị bệnh là tổn thương thực thể . Khi cơ sở bị tổn thương tây y mới tìm ra, còn bệnh chức năng Tây y không tìm ra và không có cách chữa gốc, chỉ chữa ngọn.

Thí dụ do hút thuốc nhiều làm người nóng, mất ngủ, ho, khi chụp hình phổi để tìm xem cơ sở phổi có bị tổn thương do nám, lủng loét hay không, nhưng chụp phổi chưa có dấu hiệu xấu, vẫn tốt, thì Tây y không thể và không có thuốc bổ phổi vì nó thuộc chức năng, chỉ cho thuốc chữa ngọn là thuốc ngủ và thuốc ho. Bệnh nhân vẫn uống thuốc ngủ và thuốc ho và vẫn hút thuốc nhiều theo thói quen, đến một ngày nào đó khi chụp phổi mới phát hiện là lao phổi hay ung thư phổi thì bệnh hư chức năng đã chuyển sang hư thực thể cơ sở. Nhưng đối với đông y khi bệnh còn trong chức năng, đông y khí công cũng đã biết hư chứng hay thực chứng theo quy luật âm dương khí huyết tạng phủ để cho ra một bài thuốc công thức huyệt chiến lược để chữa cho khỏi bệnh.

b- Do kinh Mẹ :

Nếu dấu hiệu triệu chứng lâm sàng của chính kinh bị bệnh ít hơn là những dấu hiệu bệnh khám được ở kinh mẹ như vậy là do ảnh hưởng của kinh Mẹ truyền bệnh sang kinh con, cũng phân biệt thành 2 loại bệnh . Theo lý thuyết ngũ hành đông y các kinh đều mang một ký hiệu như kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ.. dùng để lý luận sinh khắc ngũ hành như thí dụ bên dưới :

Thí dụ kinh vị thổ dương bị bệnh : Theo đông y có những tình huống sau xảy ra :
-Chức năng bệnh thực do khí : làm ợ hơi
-Chức năng bệnh thực do huyết : làm cao áp, khó thở, nhức đầu, tăng hồng cầu bạch cầu…
-Chức năng bệnh hư do khí : làm thiếu hụt hơi thở, suyễn hàn không tổn thương phổi.
-Chức năng bệnh hư do huyết : Ăn bổ mà không sinh da thịt, mất hồng cầu bạch cầu, ưa chóng mặt…
-Cơ sở bệnh thực do khí : Bao tử căng cứng tức đầy hơi, suyễn,
-Cơ sở bệnh thực do huyết : Bao tử sưng đau, có bướu, nhiễm trùng trong bao tử
-Cơ sở bệnh hư do khí : Bao tử co thắt teo nhỏ, thòng bao tử .
-Cơ sở bệnh hư do huyết : Bao tử xuất huyết, có nhiều cục u bướu
-Chức năng bệnh thực vừa do khí và huyết : làm ợ hơi, làm cao áp, khó thở, nhức đầu, hôi miệng
-Chức năng bệnh hư vừa do khí và huyết : làm thiếu hụt hơi thở, ăn bổ mà không sinh da thịt
-Cơ sở bệnh thực vừa do khí và huyết : Bao tử căng cứng tức đầy hơi, bao tử nhiệt, loét, Bao tử sưng đau, có bướu
-Cơ sở bệnh hư vừa do khí và huyết : Bao tử co thắt teo nhỏ, Bao tử xuất huyết, có nhiều cục u bướu

Trong hành thổ có âm dương, bao tử là dương có nhiệm vụ sinh hóa co bóp thức ăn thành dưỡng trấp, Tỳ ( lá mía tụy tạng) là âm có nhiệm vụ thu nạp và chuyển hóa dưỡng trấp thành máu. Nên bệnh của bao tử nếu chỉ do bao tử là thổ dương bệnh, như chức năng dương là không co bóp, hoặc co bóp nhanh, co bóp chậm…Nhưng bao tử bệnh có thể do thổ âm tỳ không thu nhận để chuyển hóa, nên thức ăn đã biến dưỡng trấp cứ bị lưu giữ lâu trong bao tử sẽ lên mem sinh ợ chua, sinh nhiệt, miệng hôi, làm tăng áp huyết, hoặc dưỡng trấp biến thành đàm. Lúc đó đông y muốn chữa bệnh của thổ dương thì chính là phải chữa từ thổ âm tỳ theo nguyên lý đông y : Âm bệnh lấy dương chữa, dương bệnh lấy âm chữa.

c- Do kinh con :

Kinh con cũng có hai chứng bệnh, chứng bệnh thực do mẹ truyền làm cho nó thực, và chứng bệnh hư do mẹ nó hư không đủ năng lượng cung cấp cho nó. Có trường hợp mẹ không hư mà con hư do kinh có hành khắc triệt với nó làm nó hư. Muốn bổ nó vẫn phải bổ chính nó để chữa ngọn, chữa nguyên nhân gần, và chữa bổ kinh mẹ nó để chữa gốc, mặc dù khi khám kinh me không có bệnh.

Các Thầy thuốc đông y kiến thức bằng nhau, nhưng tùy theo cách chữa mà được xếp thành 3 bậc hạng :
Thầy bậc hạ công: Là thầy thuốc chỉ chữa ngọn thuộc triệu chứng bệnh. Bệnh nhân mau thấy kết qủa hết bệnh, nếu có biến chứng sẽ trở lại cho Thầy chữa ngọn tiếp. Kỹ thuật viên châm cứu cũng thuộc bậc hạ công, chữa bệnh mau nổi tiếng mau làm giầu, chữa để nuôi bệnh, hết được bệnh này lại sinh ra bệnh khác, vì một hành bệnh chữa chưa khỏi đã bị biến chứng truyền kinh sang hành khác, thế gian gọi là Bá đạo..khi bệnh truyền kinh đủ 5 hành trở thành bệnh nặng hơn khó chữa đi đến tử vong.
Thầy thuốc bậc trung công : Vừa chữa ngọn vừa chữa ngăn ngừa biến chứng, kết qủa chậm hơn. Cách này đa số áp dụng. Gốc bệnh khó tìm do nhiều nguyên nhân Tinh-Khí-Thần (như ăn uống thuộc phạm vi thầy thuốc chuyên khoa dinh dưỡng, Khí thuộc hơi thở, điều kiện môi trường sống, khí có từ dinh dưỡng. Thần là tư tưởng, tình cảm xáo trộn thái qúa bất cập làm mất quân bình gây ra bệnh tật), chữa theo cách này thế gian gọi là Y đạo.

Thầy thuốc bậc thượng công : Vừa chữa ngọn, vừa chữa ngừa biến chứng vừa chữa gốc bệnh để bệnh không tái phát không truyền kinh, thế gian gọi là Vương đạo, cứu giúp thế gian không màng danh lợi.

Điểm này, Y Tổ Biển Thước cũng có ý phân biệt 2 chữ Chữa bệnh và Trị bệnh. Thầy tổ muốn đào tạo nên thầy thuốc Trị bệnh là làm cho khỏi dứt căn bệnh, chứ không phải Thấy thuốc Chữa bệnh là chữa hết bệnh này lại biến thành bệnh khác. Thí dụ dạy cho bệnh nhân cách thở làm dứt căn bệnh cao áp huyết chứ không phải chữa bệnh áp huyết lâu ngày sinh biến chứng trở thành sung huyết não, nhồi máu cơ tim.

5- Cách bổ tả trên kinh Mẹ, kinh con :

Chỉ khi nào Kinh Mẹ có bệnh thực chứng thì phải Tả huyệt trên kinh Mẹ để chữa ngọn, và Tả trên kinh con để chữa gốc, làm mất năng lượng của kinh con, theo luật ngũ hành tương sinh, kinh mẹ phải xuất năng lượng cứu cho con, vô tình kinh mẹ đã được tả gián tiếp. Cho nên chỉ tả kinh con mà các dấu hiệu bệnh trên kinh mẹ đã hết.

Thí dụ, khi chỉ có hành thổ âm Tỳ hay thổ dương Vị hay cả hai bị bệnh không do ảnh hưởng của hành khác thì gọi là chính kinh bị bệnh.. Nhưng nếu do ảnh hưởng của hành Mẹ là hỏa sinh thổ thì gọi là do kinh mẹ bệnh. Hành mẹ là Tâm hỏa có hai cách làm cho âm dương của hành thổ là con thuộc kinh Tỳ Vị bị bệnh theo, một là bệnh thực của kinh mẹ làm kinh con cũng bị thực, hai là mẹ hư yếu làm con hư yếu theo.

Do đó đông y có câu : Con hư bổ mẹ. Mẹ thực tả con. Biết áp dụng đúng và tìm được đúng huyệt bổ tả, và biết phối hợp huyệt vừa chữa ngọn vừa ngừa biến chứng cũng là cách chữa theo Y đạo của Thầy thuốc bậc trung công rồi.
Còn nhiều phương pháp vuốt bổ tả trên kinh đoạn ngũ hành, trên kinh đoạn Nhâm-Đốc theo vòng chân khí, trên đoạn kinh cơ sở, trên đoạn kinh chức năng, trên thần đoạn, bổ tả bằng hơi thở…. thuộc chương trình cao cấp hơn để giải quyết được những căn bệnh nan y của thời đại mà chúng ta đang học hỏi để trở thành Thầy Trị bệnh theo vương đạo, nhưng trước hết phải có tinh thần phục vụ vô vụ lợi, hạnh từ bi bố thí công đức, hành đạo cứu khổ không xao lãng mệt mỏi.
----------------------------------------------------------

Bài đọc thêm :
Chúng ta phân tích so sánh bài thuốc Phế ung khái thấu phương theo thành phần đơn chất, và công dụng của hợp chất của một toa thuốc chiến lược tạo sự vận hành khí hóa ngũ hành của tạng phủ, để thấy sự khác biệt nếu làm sai trình tự, tại sao sẽ không có kết qủa.
Tả 1-Phế du, 2-Chiên trung, 3-Chi cấu, 4-Đại lăng (sau khi đắc khí rút kim ra ngay)
5-Phong môn châm ngang (sau khi đắc khí rút kim ra ngay)
6-Túc tam lý (bình bổ bình tả, lưu kim 30 phút)

A- Phân tích theo đơn huyệt :

Những công dụng của huyệt được kê khai đầy đủ nhưng không phải dùng huyệt đó mà chữa được các loại bệnh được liệt kê, phải tùy theo cách chữa bổ hay tả hơ cứu tác động vào huyệt như thế nào.
Phế du : Điều phế, lý khí, bổ lao tổn, thanh thối hư nhiệt, hòa vinh huyết, trị mạch nhảy nhanh, sùi bọt mép, bướu khí, nóng âm ỉ xương cánh tay, còi xương, bệnh thuộc phổi, ngực, ho, suyễn, mồ hôi, miệng lưỡi khô, khí nghịch, và tăng cường kháng bệnh.
Chiên trung : Thông khí, điều khí, giáng nghịch, lợi cách, giải uất khí, thanh phế hóa đàm, tăng cường vinh vệ khí, tăng hơi thở, tăng oxy trong máu, tăng hồng cầu.
Chi cấu : Thông phủ khí, thanh tam tiêu, giáng hỏa nghịch, tuyên khí cơ, tán ứ kết trường phủ.
Đại lăng :Thanh tâm, định thần, thư ngực, hòa vị, thanh vinh, lương huyết, tả hạ áp huyết.
Phong môn : Trị phong nhiệt làm lở ung nhọt, ung thư có mủ, mề đay, giải ho cảm cúm hàn nhiệt, viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi, nhức đầu chóng mặt, thông khí huyết thượng tiêu, tả nhiệt toàn thân.
Túc tam lý : Lý tỳ vị, điều trung khí, hòa trường, tiêu trệ, sơ phong, hóa thấp, thông kinh lạc, thông khí huyết, phò chính, bồi nguyên, bổ hư tồn, làm mạnh chân, tăng sức, đuổi tà, tăng hồng cầu, bạch cầu phòng bệnh.

B-Thành toa thuốc chiến lược quân thần tá sứ :

Nguyên nhân do ngoại cảm phong nhiệt, biểu tà chưa giải, lý nhiệt đã thịnh làm nhiệt nghẽn ở phổi, khiến huyết ứ, phế mất chức năng thông giáng khí làm huyết hư thối thành mủ, cho nên tả phế làm thông phế khí mất nhiệt .Cơ sở âm bệnh, lấy chcứ năng dương chữa. Cặp huyệt Phế du, Chiên trung làm quân, dùng Phế du là âm trong dương, du huyệt của phế rót vào Chiên trung là dương trong âm, nơi hội tụ khí vinh vệ, bệnh nhiệt phải tả và rút kim ra nhanh mới có tác dụng tuyên tả phế nhiệt, thông phế lạc, giáng phế khí.
Cặp huyệt Chi cấu và Đại lăng làm thần . Chi cấu thuộc kinh tam tiêu phân bố ở Chiên trung, tán lạc ở Tâm bào xuống cách mô. Còn Đại lăng thuộc kinh Tâm bào trợ giúp Phế du, Chiên trung thanh phế lợi khí.
Phong môn làm tá ,châm ngang rút kim ra nhanh là chỉ châm phần vệ khí bên ngoài không làm tổn thương vinh khí bên trong để giúp thanh vệ khí của phế trục biểu tà chưa giải hết.
Túc tam lý là hợp huyệt của kinh vị dùng làm sứ, giúp đưa phế khí và vị khí xuống để khí huyết ứ trong phế thông giáng giúp bệnh ho phế ung mau lành.

Phương pháp thành lập toa thuốc theo quân thần tá sứ, thì quân (vua) là vị thuốc chính chủ lực, vị thuốc phò trợ cho vị thuốc quân phát huy tác dụng làm thần, vị thuốc gia giảm điều hòa giúp thuận lợi cho phản ứng của thuốc dùng làm tá, vị thuốc nào dẫn bệnh hay dẫn thuốc đi thì gọi là sứ (đại sứ). Theo bát pháp, bài thuốc này vừa xuất biểu vừa tiêu hạ chất độc theo đường phân ra ngoài.

Khi hiểu được sự liên kết chặt chẽ của công dụng bài thuốc chiến lược quân thần tá sứ theo trình tự để phát huy hiệu qủa của sự khí hóa ngũ hành tạng phủ, thuộc phần lý luận biện chứng kinh mạch, thì kết qủa thu được là một phản ứng hóa học tạo ra một chất thuốc mới trong trị liệu, chứ không phải là tổng hợp công dụng của từng huyệt, vì thế mà ngành châm cứu tây y nhìn vào công dụng của từng huyệt trong suốt cả một quyển tự điển huyệt cũng không thể tìm ra có huyệt nào chữa được những bệnh nan y mà châm cứu tây y cần.

Người biết sử dụng nó phải là người biết sáng tạo ra những phản ứng hóa học tạo ra chất thuốc mới sẵn có trong cơ thể. Vì thế ngành đông y châm cứu tuy lâu đời nhưng đối với mọi thời đại vẫn chưa khai thác được hết khả năng kỳ diệu của huyệt.